Nội dung bài viết:
Đàn Nam Giao ở Huế là địa điểm từng diễn ra hơn 90 nghi lễ tế trời dưới thời các vua nhà Nguyễn. Cũng chính vì lẽ đó mà nơi đây vô cùng thiêng liêng. Dù trải qua nhiều biến động, di tích này vẫn giữ nguyên những giá trị ban đầu và trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách thập phương mỗi khi đến thăm mảnh đất cố đô.
1. Đàn Nam Giao ở đâu?
Địa chỉ của nơi này ở phường Trường An, thành phố Huế và cách di tích Đại Nội Huế gần 5km về phía tây. Theo ghi chép trong một số tài liệu, Đàn Nam Giao từng được xây dựng ở kinh đô Thăng Long, Thanh Hóa và Huế. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ công trình tại Huế còn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc ban đầu.
Đàn lễ Nam giao để làm gì? Được xây dựng thời vua Gia Long, đây là địa điểm tổ chức các buổi tế lễ trời đất vào mùa xuân hằng năm. Người chủ trì thực hiện không ai khác ngoài nhà vua. Trong thời gian triều Nguyễn nắm quyền, đã có 10 trong số 13 vị tiến hành lễ với tổng số 98 nghi lễ diễn ra.
Không chỉ đơn giản là nơi tế lễ, Đàn tế Nam Giao còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa thiêng liêng về lịch sử, kiến trúc và văn hóa.
Xem thêm: Ghé thăm Điện Hòn Chén và 3 Giai thoại lịch sử bí ẩn
2. Lịch sử Đàn tế trời Nam Giao
Lịch sử trước năm 1945
Thời gian bắt đầu xây dựng cũng như hoàn tất Đàn Nam Giao không được ghi rõ. Một số thông tin cho rằng quá trình này diễn ra trong giai đoạn 1806 – 1807. Và lễ tế đầu tiên được ghi nhận vào ngày 27/3/1807 do vua Gia Long thực hiện.
Sau đó, từ năm 1807 – 1885, nghi lễ vẫn được tiến hành đều đặn vào mùa xuân hằng năm. Vào năm 1886 – 1890 hoạt động này bị dừng lại. Và ngày 23/3/1945 cũng là thời điểm đánh dấu buổi lễ tế cuối cùng của triều Nguyễn.
Lịch sử sau năm 1945
Đàn tế Nam Giao rơi vào cảnh đổ nát và hoang phế sau tháng 8/1945.
Đến năm 1977, một đài tưởng niệm bằng gạch được xây dựng trên nền của Viên Đàn cũ. Vào năm 1992, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định di dời đài tưởng niệm, khôi phục Đàn Nam Giao. Cùng với đó giao nhiệm vụ bảo vệ, trùng tu cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Nhờ những cố gắng trong việc bảo tồn, năm 1993, đàn tế Nam Giao góp mặt trong danh mục 16 di tích có giá trị toàn cầu nổi bật được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới. Và đến năm 1997, nơi đây được chính thức công nhận di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
3. Kiến trúc độc đáo của đàn tế Nam Giao
Kiến trúc tổng thể
Đàn tế Nam Giao nằm trong khuôn viên hình chữ nhật với diện tích lên đến 10ha. Bốn mặt trổ cửa theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó cửa chính ở hướng Nam. Trước mỗi cửa đều có một tấm bình phong bằng đá, kích thước chiều rộng 12,5m; chiều cao 3,2m và dày 0,8m
Trung tâm của Nam Giao là Giao đàn gồm 3 tầng. Đây chính là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng
Ý nghĩa 3 tầng của Giao đàn – công trình chính của Đàn Nam Giao
Kiến trúc của Giao đàn tuân thủ theo nguyên tắc Tam Tài (Thiên – Địa – Nhân) mà yếu tố con người được tập trung thể hiện rõ nét. Cụ thể:
- Tầng 1 gọi là Viên Đàn. Nơi này hình tròn, vòng lan can được quét vôi xanh tượng trưng cho Trời.
- Tầng 2 là Phương Đàn. Với cấu trúc hình vuông, vòng lan can sơn màu vàng, tầng này tượng trưng cho Đất. Tại đây thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian dưới thời Nguyễn.
- Tầng cuối cùng hình vuông, vòng lan can được quét sơn đỏ tượng trưng cho Nhân, tức là con người.
Những công trình khác
Bên cạnh đó, Đàn Nam Giao còn có một số công trình phụ khác như:
- Trai cung: Nơi nhà vua thực hiện trai giới
- Thần khố: Nhà kho với công dụng chứa đồ tế khí
- Thần trù: Nhà bếp chuẩn bị thức ăn tế lễ
- Tế sinh sở: Nơi chuẩn bị vật tế lễ
Xem thêm: Du lịch Đồi Thiên An và 4 thông tin quan trọng không nên bỏ qua
4. Lễ tế trời Nam Giao
Lễ tế Đàn Nam Giao được xếp vào hàng Đại tự, tức nghi lễ lớn dưới thời các vua Nguyễn trị vì. Vào lúc đó, lễ được tổ chức mỗi năm một lần và kéo dài trong vòng 3 ngày. Đến đời vua Thành Thái, lễ được tổ chức 3 năm 1 lần và bị ngưng từ sau năm 1945.
Hiện nay, nghi lễ tế trời đặc biệt này đã được phục dựng trở lại vào năm 2004 trong thời gian diễn ra Festival Huế. Nếu đến Huế vào dịp Festival, du khách sẽ có cơ hội hòa mình vào không khí lễ rộn ràng nhưng không kém phần trang nghiêm.
5. Kinh nghiệm du lịch Nam Giao
Đi đến đàn tế Nam Giao bằng cách nào?
Có 2 cách để đi đến Đàn Nam Giao:
- Nếu đi xe máy hoặc ô tô, bạn có thể di chuyển theo đường Lê Duẩn rồi rẽ phải vào đường Bùi Thị Xuân. Tiếp đến rẽ trái ở đường Điện Biên Phủ và đi thẳng thêm 2 cây số nữa thì sẽ đến.
- Một phương tiện khác dành cho những ai muốn đến đàn tế Nam Giao là xe buýt. Tuyến xe đi đến đây là tuyến số 5, đi qua nhiều điểm di tích nổi tiếng như trường Quốc học Huế, lăng Khải Định, chùa Báo Quốc,…
Khung giờ và giá vé tham quan
Thời gian mở cửa gồm 2 khung giờ:
- Buổi sáng: từ 7h30 đến 12h
- Buổi chiều: từ 13h30 đến 17h
Giá vé tham quan là 30.000 VNĐ/người và miễn phí cho trẻ em cao dưới 1,3m.
Những di tích khác gần đàn tế lễ Nam Giao
Khi đến tham quan đàn tế Nam Giao, du khách cũng có thể tiện đường ghé thăm những di tích gần đó. Chẳng hạn như cung An Định, lăng Minh Mạng, điện Hòn Chén…
Bài viết vừa rồi đã giới thiệu đến bạn đọc 3 ý nghĩa quan trọng của Đàn Nam Giao. Đây là một trong những công trình vô cùng linh thiêng của mảnh đất cố đô Huế còn tồn tại đến ngày nay. Hy vọng với những thông tin này của xehuedanang.net, các bạn sẽ có thêm một điểm đến tuyệt vời trong hành trình đến với xứ Huế mộng mơ.